Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an), điểm yếu về bảo mật của hệ thống thiết bị dân dụng có kết nối Internet (IoT) sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh mạng. Tại Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật diễn ra tại Hà Nội vào 4/4, vị phó giáo sư, tiến sĩ này cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 59 triệu người dùng (chiếm 62,76% dân số). Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, chính phủ điện tử triển khai rộng khắp… Theo ông Thuận, sự phát triển của không gian mạng đã nảy sinh nhiều nguy cơ thách thức với an ninh quốc gia cũng như an toàn, lợi ích của cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Mỗi năm có hàng nghìn trang mạng của Việt Nam bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa, chèn thêm nội dung, cài mã độc trong đó có hàng trăm trang tên miền gov.vn của các cơ quan nhà nước. “Riêng năm 2016 có gần 7.000 trang, cổng thông tin điện tử của nước ta bị tấn công. Nhiều thiết bị kết nối Internet (IoT) tồn tại lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ tin tặc khai thác, chiếm đoạt sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công mạng trên thế giới,” ông Thuận nói. Tướng Thuận cũng cho biết, các hệ thống thông tin trọng yếu, nhất là hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng, điển hình như vụ tấn công vào ngành hàng không ngày 29/7/2016. Hiện nay, an ninh mạng Việt Nam tiếp tục chịu tác động mạnh bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới. Trong đó, phần mềm gián điệp, malware sẽ trở thành mối đe dọa thực sự, kể cả với các mạng đóng lưu trữ và xử lý tài liệu mật do sự lây lan của mã độc qua USB, CD, smartphone và các thiết bị kết nối không dây. Các hệ thống mạng trọng yếu, điều kkiển công nghiệp tự động trong ngành hàng không, dầu khí, ngân hàng, điện lực… sẽ tiếp tục là mục tiêu của tin tặc, trong đó có hoạt động khủng bố, phá hoại. “Điểm yếu về bảo mật của hệ thống thiết bị dân dụng có kết nối Internet (IoT) sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh mạng của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân,” tướng Thuận nhận định. Tại sự kiện, các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra cho Việt Nam những khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong báo cáo tình hình an ninh mạng mới đây, Bkav ghi nhận năm 2016 vừa qua là năm bùng nổ của ransomware (mã độc tống tiền) khi cứ 10 email nhận được thì trung bình có 1,6 email có chứa loại mã độc này. Trao đổi với phóng viên VietnamPlus bên lề sự kiện, ông Hà Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc CMC InfoSec cho hay, mã độc ransomware lây lan ngày càng nhiều. Nếu như năm 2015, ransomware thường tấn công vào các cơ quan lớn của nhà nước, các ngân hàng lớn thì năm 2016 và đầu năm 2017, mã độc này tấn công các đơn vị nhỏ hơn. Điều này chứng tỏ tin tặc đã mở rộng các đợt tấn công ra nhiều đối tượng. Theo ông Phương, ransomware giúp tin tặc kiếm được một lượng tiền lớn và nhanh chóng đồng thời khiến khách hàng cảm thấy bị đe dọa khi có khả năng mất đi dữ liệu quan trọng và muốn lấy lại phải trả tiền. Song, việc trả tiền để lấy lại dữ liệu này cũng sẽ nối tay làm lây lan sang các nạn nhân khác và dữ liệu lấy lại chưa chắc đã an toàn.
Nhiều khách hàng đã thăm quan gian hàng trình diễn các giải pháp bảo mật của các đơn vị thành viên của CMC như CMC InfoSec, CMC Telecom, CMC SI, CMS. (Ảnh: Hoa Vân) |
Cũng theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhưng người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình. Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi, hiện kiến thức bảo mật của người dùng Việt vẫn như thuở sơ khai, khi mà Internet mới vào Việt Nam - một thực trạng hết sức đáng quan ngại trong vấn đề an ninh bảo mật hiện hành.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận thì cho rằng, đảm bảo an ninh mạng đòi hỏi giải pháp tổng thể, từ việc ban hành, thực thi chính sách pháp luật; chủ động trong sản xuất, cung cấp dịch vụ trên không gian mạng đến ý thức xây dựng không gian mạng an toàn của mỗi người dân. Bên cạnh đó, để đối phó với nguy cơ, thách thức từ không gian mạng đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu xây dựng một không gian mạng lành mạnh. “Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam mong muốn các hãng công nghệ hàng đầu thế giới khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Google, Facebook… phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam, hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng chống tấn công mạng và ngăn chặn thông tin sai lệch,” ông Thuận chốt lại./.
Theo Trung Hiền (Vietnam+)